PN - Đơn độc trong cuộc chiến với hội chứng tự kỷ không phải là câu chuyện của riêng phụ huynh. Đó còn là cảm nhận của người làm nghề can thiệp, khi phải chật vật loay hoay giữa kỳ vọng và hoài nghi của những “người đồng hành”.
Chị Nguyễn Thị Xiêm (bìa phải) trong cuộc chơi hóa thân thành các loài vật
“Người bạn” lắm trò
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Xiêm (SN 1987) khi chị đang vào vai một... chú vịt, dẫn đầu một “đàn vịt” gồm bốn đứa trẻ cùng một cô giáo khác, lấy tay làm mỏ, vừa đi lom khom vừa kêu “quạp quạp”. Thoáng ngoái nhìn về phía sau, thấy đám trẻ bắt đầu lơ đễnh, chị bất ngờ đứng lại, reo lên: “Nào nào, chúng ta làm theo bài hát của cô nào!”. Thôi làm vịt, vừa hát vừa lắc lư một lúc lâu, sự nhiệt tình của chị mới lan sang những đứa trẻ 10 - 12 tuổi, phổng phao, ngơ ngác.
Trẻ lớn tuổi, bệnh nặng, can thiệp muộn là những đối tượng học trò của chị Xiêm. Trên chiếc ghế ở giữa phòng, đầu đội nón bảo hiểm, mặc kệ cuộc vui của các bạn, Tấn Phát hí hoáy nghịch trên chiếc bàn học. 15 tuổi nhưng hay quậy phá, Phát từng là nỗi đau đầu của cả nhà trường. Theo chị Xiêm, chiếc nón luôn đội trên đầu Phát là vật hộ mệnh, bảo vệ em khỏi những cơn động kinh. Khi Phát lên cơn tăng động, thích chọc phá, thì chính chị trở thành một “bạn chơi” cho em lao vào cấu véo. Chìa đôi tay trắng ngần đầy những dấu bầm tím, Xiêm từ tốn kể về “hoàn cảnh ra đời” của từng vết thương cũ mới. Có giờ ngủ trưa, khi các em đang nằm yên lặng trong chăn, các cô “mất cảnh giác” thì Phát bật dậy, lao vào Xiêm, vừa cấu ngắt liên tục, vừa cười khoái chí.