NỖI LÒNG NGƯỜI GIÁO VIÊN CHUYÊN BIỆT
Khi mới vào nghề giáo viên chuyên biệt, trong lòng tôi dâng trào niềm cảm xúc và nhiệt huyết với quyết tâm sẽ đem hết sức mình để giúp học sinh phát triển và hòa nhập cách tốt nhất vào xã hội.
Ông bà ta nói rất đúng, trẻ em như những tờ giấy trắng và giáo dục viên chính là những người sẽ viết lên đó những kiến thức, những kỹ năng, những cảm xúc, những cách ứng xử mà học sinh noi theo sau này trong đời sống xã hội. Đối với người giáo viên chuyên biệt sẽ còn khó hơn nữa vì các em không chỉ như những tờ giấy trắng mà thôi, các em như những viên kim cương thô rất cứng, khó mài dũa, điều đó đòi hỏi sự nổ lực gấp nhiều lần so với một giáo viên bình thường. Công việc đòi hỏi họ phải có lòng kiên nhẫn, óc sáng tạo, sự yêu thương vô bờ dành cho các em thì mới có can đảm nhận trách nhiệm mà nhà trường và phụ huynh giao phó. Vì vậy tôi tự hào vì mình đã đứng vào hàng ngũ này.
Một cô bạn đồng nghiệp đã nói với tôi rằng có một phụ huynh khi bé mới đi học đã dặn dò rằng : Mong cô hãy coi cháu như con ruột của mình nha, tội nghiệp, nó bị bệnh mà!!! Khi nghe câu nói đó tôi đã rất xúc động, tôi hiểu nỗi lo lắng của phụ huynh; các bé khi mới bắt đầu vào học ở trường chuyên biệt thì hoàn toàn không biết mình là ai và cũng không biết mình đang ở đâu do đó tâm trạng sẽ không ổn định và đầy sợ hãi. Vì vậy phụ huynh không biết con họ có được chăm sóc tốt không? có bị đánh đập không???
Tôi đã chọn câu dặn dò của phụ huynh đó làm phương châm làm việc của mình và hơn thế nữa tôi còn coi các bé hơn cả con ruột của mình nữa. Nếu là con ruột thì khi mình tức giận mình có thể la, đánh, mắng tùy ý; hay dạy dỗ, yêu thương như thế nào là tùy mình và mình không phải chịu trách nhiệm với bất cứ ai ngoài đứa con đó mà thôi.
Đối với tôi, các bé được nhà trường giao phó cho tôi được tôi quý còn hơn cả con ruột của mình nữa, tôi coi các bé như học trò cưng của mình vì mọi cử chỉ, hành động, mọi tác động của tôi đối với học sinh đều không chỉ là tôi chịu trách nhiệm đối với bé đó không mà thôi mà tôi còn chịu trách nhiệm đối với sự tin tưởng và kỳ vọng của Ban Giám Hiệu cũng như phụ huynh đã dành cho tôi và hơn hết tôi phải chịu trách nhiệm với chính lương tâm của mình nữa.
Quả thật, khi là một giáo viên chuyên biệt sẽ có rất nhiều áp lực đè nặng trên vai và nếu không có tâm với nghề, không có sự yêu thương trẻ vô điều kiện thì không thể làm nổi, vì nếu nói đi làm để kiếm sống thì lương một giáo viên sẽ chẳng là gì so với những ngành nghề khác trong xã hội và sẽ chẳng là gì cả so với công sức, tâm quyết mà người giáo viên đã đầu tư vào học sinh của mình. Hơn thế, với một trẻ tự kỷ thì việc giáo dục sẽ càng khó khăn hơn nữa vì các bé rất hạn chế về vấn đề giao tiếp nên rất khó khám phá và tiếp cận các bé cũng như việc giúp các em hòa nhập với xã hội.
Đối với những trường thường, ta chỉ cần nói một lần là các bé hiểu nhưng với những bé chuyên biệt thì không được như vậy. Vì vậy người giáo viên rất cực khi giúp các em trong mọi vấn đề của cuộc sống. Những tháng đầu khi tôi mới vào nghề, mỗi buổi chiều khi đi làm về, người tôi hoàn toàn rã rời và hầu như không còn muốn làm gì nữa, thậm chí không muốn ăn mà chỉ muốn ngủ vùi mà thôi. Thế nhưng khi sáng thứ dậy , đến trường tôi lại lao vào làm việc một cách hăng say, lo cho các em từng miếng ăn giấc ngủ, giúp các em đi vệ sinh, dạy các em học...rồi chiều về lại mệt nhoài, rã rời... Lắm lúc tôi tự hỏi, sức lực ở đâu mà mình có? Mình có hợp với nghề này không? Mình còn cầm cự được bao lâu nữa???? Nhưng rồi đến sáng hôm sau, khi đi làm, chỉ cần gặp các em, nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ tươi cười như đang nói với tôi: “cô ơi ,con cần cô!” thì lòng tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh và tôi lại lao vào làm việc mà dường như quên hết mệt nhọc.
Thế nhưng, nếu các bé tiến bộ thì không sao, còn khi các bé có chuyện thì bao nhiêu tội lỗi đều đổ hết lên đầu giáo viên. Ông bà ta thường nói chén dĩa để trong chạng còn va nhau sức mẻ nói gì đến con người. Các bé đi học chơi với nhau sao tránh khỏi những lúc cọ quẹt. Một số phụ huynh rất thông cảm nhưng cũng có một số phụ huynh lại rất khó, khiến áp lực lại càng đè nặng lên giáo viên nhiều hơn nữa, đã có rất nhiều giáo viên phải bỏ nghề vì không chịu nổi sự cực khổ và những áp lực này.
Rất may mắn vì tôi được làm việc trong ngôi trường Khai Trí, nơi tôi và những chị em đồng nghiệp luôn được Ban Giám Hiệu động viên, khích lệ, quan tâm, thông cảm và thường xuyên tạo điều kiện giúp chúng tôi nâng cao tay nghề. Nhờ đó mà tôi gắn bó với nghề cho đến ngày hôm nay. Tôi rất mong phụ huynh cũng vậy, hãy giảm bớt áp lực cho chúng tôi, hãy tin tưởng vào chúng tôi hơn nữa. Tôi tin rằng, với sự cộng tác, tin tưởng và thông cảm của Ban Giám Hiệu và Quý Phụ Huynh chúng ta sẽ cùng nhau giúp các em tiến bộ và hòa nhập tốt trong môi trường yêu thương, an toàn và hạnh phúc.
Hạ Thị Bích Phượng
Đang có 61 khách và không thành viên đang online