Năm học mới sắp đến, nhiều phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ đang ở trong tâm trạng phân vân, lo lắng trẻ có thể học tốt ở môi trường hòa nhập như những học sinh bình thường hay không. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với cô Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt (GDCB) Khai Trí về những kinh nghiệm giúp giáo viên (GV) và phụ huynh (PH) trang bị các yếu tố cần thiết để trẻ tự kỷ (TTK) đến trường vững vàng hơn.
Cần có nhiều biện pháp điều trị để TTK nhanh chóng hòa nhập với môi trường chung (ảnh minh họa). Ảnh: D.B
PV: Thưa cô, đối với trẻ mắc hội chứng tự kỷ, gia đình phải làm sao để can thiệp kịp thời?
Cô Võ Thị Thùy: Hội chứng tự kỷ ở trẻ thường tồn tại theo hai dạng: Trẻ sợ tiếp xúc, sống thu mình lại nhưng không tăng động, rất khó tiếp xúc. Dạng thứ hai là tự kỷ kèm tăng động - giảm chú ý, những trẻ này thường khó tập trung, đặc biệt là trong việc học và có hành vi tự hủy hoại mình. Những TTK nhẹ, được can thiệp sớm thì sau 2-3 năm trẻ hòa nhập với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp sớm, từ 6-10 tuổi mới được can thiệp thì khả năng hòa nhập là rất khó. Thực trạng hiện nay là nếu không có bệnh án của bệnh viện, PH không chấp nhận con mình bị tự kỷ và đưa vào Trường GDCB bởi nhìn bề ngoài, TTK cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác, chỉ có người chăm sóc trẻ mới biết rõ. Chính vì thế, bố mẹ phải là người quan tâm đến con cái để phát hiện và can thiệp kịp thời.
Vậy, để khắc phục chứng tự kỷ ở trẻ, PH và GV cần sử dụng những phương pháp điều trị nào, thưa cô?
Dạy TTK không có một phương pháp nào là duy nhất mà phải kết hợp nhiều phương pháp và tùy sự phát triển tâm sinh lý của từng em mà người dạy có thể tác động bằng những biện pháp khác nhau. Thông thường, chúng tôi dùng các phương pháp can thiệp khi trẻ hoạt động ở mọi lúc mọi nơi, càng cụ thể càng giúp trẻ dễ nhận biết. Tuổi não TTK thường thấp hơn tuổi đời nên hoạt động chủ đạo là vui chơi. TTK gặp khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, không biết chơi tưởng tượng nên vui chơi dùng ngôn ngữ cơ thể biểu hiện là chính; bên cạnh đó, sử dụng thang đánh giá thông qua bảng test PEP3 để đo được tuổi não phát triển thực sự của trẻ, tìm vùng não đang gặp khó khăn rối loạn cũng là một biện pháp hay giúp chúng tôi có kế hoạch để can thiệp… Ngoài ra, việc kết hợp với y tế là điều kiện không thể thiếu trong quá trình điều trị. Hầu hết TTK không điều khiển được miệng nên việc ăn uống cũng rất khó khăn, ở nhà ăn cố định một thực đơn, có trẻ lại biếng ăn hoặc không biết nhai. Chúng tôi chọn các thức ăn không ảnh hưởng đến sự tăng động của trẻ như thực phẩm có hàm lượng lúa mì, sữa có gốc từ sữa bò… được thay bằng thức ăn khác như gạo lứt, sữa làm từ các loại đậu, trong đó có hạt sen, các loại thịt cá thông thường. Riêng có 75% TTK trong trường ăn gạo lứt bởi gạo này không có chất tẩm ướp, vỏ lụa có nhiều chất xơ giúp trẻ không táo bón. Đặc biệt, vỏ lụa có nhiều vitamin nhóm B nên hoạt huyết não tốt giúp trẻ tỉnh táo hơn, bớt tăng động. Nếu chuyển đổi từ gạo trắng sang gạo lứt thì trẻ sẽ rất khó ăn, ban đầu nên trộn lẫn với nhau và giảm dần tỷ lệ gạo trắng.
Được biết, năm nay trường sẽ có thêm một số trẻ vào lớp 1 bình thường. Vậy những trẻ này đã hoàn toàn hết hội chứng tự kỷ chưa?
Tháng 9 tới, trường sẽ đưa 19 em ra hòa nhập ở mầm non và tiểu học các trường bình thường. Những em này không phải đã dứt điểm hoàn toàn hội chứng tự kỷ mà đã giảm thiểu đáng kể, các em biết giao tiếp, ngôn ngữ nói khá tốt và hành vi không gây hại cho bản thân cũng như người xung quanh. Vì thế, để giúp TTK yên tâm hơn khi bước vào lớp 1, PH cần trao đổi trước với GV của trẻ để họ quan tâm hơn các em bình thường khác.
Xin cảm ơn cô!
Trích dẫn " báo Giáo Dục Online" Hà Xuyên (thực hiện)