Liên Hợp Quốc đã coi tự kỷ là một vấn đề lớn mà các quốc gia cần phải nhận thức đầy đủ. Chúng tôi giới thiệu bản dịch của một tình nguyện viên. Cám ơn bạn đã cung cấp bản dịch này.
Chuyên trang của UN về Tự kỷ
Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong 3 năm đầu đời. Tỷ lệ tự kỷ ở tất cả mọi nơi trên thế giới cao và có ảnh hưởng to lớn đối với trẻ em, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Trong suốt quá trình hoạt động của mình, LHQ đã thúc đẩy các quyền và sự tồn tại và phát triển của người khuyết tật, trong đó có trẻ khuyết tật phát triển. Năm 2008, Công ước về Quyền của Người Khuyết tật đã có hiệu lực, một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản của quyền con người trên toàn cầu của mọi cá nhân.
Đại hội đồng Liên hiệp Quốc nay nhất trí tuyên bố lấy ngày 2/4 hàng năm là ngày Thế giới Nâng cao Nhận thức về Chứng Tự kỷ (A/RES/62/139) để nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ để cải thiện cuộc sống cho trẻ em và người lớn mắc hội chứng này để họ có thể được hưởng một cuộc sống trọn vẹn và có ý nghĩa.
Cơ sở
Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ gây nên, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn ở nhiều quốc gia không phân biệt giới tính, chủng tộc hoặc điều kiện kinh tế - xã hội. Đặc điểm của nó là sự khó khăn trong tương tác xã hội, các vấn đề về giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói, và có các hành vi, sở thích và hoạt động lặp đi lặp lại và hạn hẹp.
Tỷ lệ tự kỷ ở tất cả mọi nơi trên thế giới cao và có ảnh hưởng to lớn đối với trẻ em, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Chứng tự kỷ có thể gây ra những khó khăn kinh tế nghiêm trọng cho các gia đình, đặc biệtở các nước đang phát triển do thiếu nguồn lực chăm sóc y tế. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến hội chứng này vẫn là những trở ngại đáng kể cho việc chẩn đoán và điều trị. Việc rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn thần kinh khác hiện vẫn chưa được đưa vào danh sách các nguồn gây tử vong cao nhất là nguyên nhân tại sao trong suốt một thời gian dài như vậy, các chứng rối loạn này đã và vẫn đang bị các nhà hoạch định chính sách công ở các nước đang phát triển, cũng như các nhà tài trợ bỏ quên.
Công ước về Quyền của Người khuyết tật có hiệu lực vào tháng 5 năm 2008. Mục đích của nó là để thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo việc thụ hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản của người khuyết tật, và củng cố mức độ tôn trọng đối với danh dự, phẩm giá vốn có của họ (Nguồn: Điều 1, Công ước về Quyền của Người khuyết tật). Đây là một công cụ vững chắc để thúc đẩy một xã hội hòa nhập, bình đẳng và chăm sóc đối với mọi thành viên xã hội và để đảm bảo rằng tất cả trẻ em và người lớn tự kỷ có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và có ý nghĩa.
Liên Hợp Quốc đã nhất trí tuyên bố ngày 02 tháng 4 là Ngày Thế giới Nâng cao Nhận thức về Chứng Tự kỷ (Tuyên bố A/RES/62/139) để giúp cải thiện cuộc sống của trẻ em và người lớn mắc chứng rối loạn này.
Thông điệp năm 2011của Tổng thư ký LHQ về Tự kỷ
Số lượng trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ tiếp tục gia tăng – tại mỗi quốc gia và trong mỗi chủng tộc, dân tộc và xã hội. Mặc dù mức độ ghi nhận về hội chứng tự kỷ ngày càng được cải thiện trong cộng đồng khoa học và chăm sóc y tế, nhưng nhận thức cộng đồng về hội chứng này vẫn ở mức nghèo nàn. Việc chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Nâng cao Nhận thức về Chứng Tự kỷ hàng năm có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng là giúp tạo ra cơ hội để vận động mọi người cùng tham gia hành động và hỗ trợ cho mọi trẻ em và người lớn mắc hội chứng tự kỷ.
Trẻ em và người mắc hội chứng tự kỷ hiện phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử, cũng như thiếu sự hỗ trợ. Rất nhiều người hiện phải đối mặt với tầng tầng lớp lớp các rào cản trong cuộc sống hàng ngày. Số lượng người tự kỷ bị phân biệt đối xử nặng nề, lạm dụng và bị cô lập và chưa được thực thi những quyền con người cơ bản còn cao hơn rất nhiều.
Tự kỷ là một chứng rối loạn phức tạp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, can thiệp sớm có thể mang lại những cải thiện. Đó là lý do cho ta thấy sự quan trọng của việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu của chứng tự kỷ và cung cấp dịch vụ càng sớm càng tốt.
Một điều quan trọng nữa là phải hỗ trợ cha mẹ có con tự kỷ, tạo công ăn việc làm cho người tự kỷ dựa trên kỹ năng và thế mạnh của họ, và cải thiện giáo dục công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những học sinh, sinh viên mắc chứng tự kỷ.
Thực hiện được những việc này sẽ làm lợi cho toàn thể xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người tự kỷ, những người thân yêu của họ và những người khác. Một người mẹ có con gái tự kỷ đã nói: "Mặc dù con gái tôi đã đi một chặng đường dài, tôi thậm chí còn đi một chặng đường dài hơn."
Chúng ta hãy cùng nhau bước tiếp tới để hướng tới một thế giới hòa nhập, bình đẳng và có mức độ chăm sóc cao hơn.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Đang có 39 khách và không thành viên đang online