Với quyết tâm giúp đỡ chính con ruột của mình và những trẻ em khác chẳng may bị chứng bệnh tự kỷ, vượt lên số phận nghiệt ngã, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, kết hợp vận động đồng đội, bạn bè hỗ trợ cuối cùng, tâm nguyện lớn nhất trong đời Tiến sĩ-bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm đã trở thành hiện thực khi ngôi trường giáo dục chuyên biệt mang tên Khai Trí được khánh thành vào tháng 7 vừa qua.
Ngôi trường mang ý nghĩa nhân đạo đặc biệt này tọa lạc trong một khu vực dân cư yên tĩnh, thoáng mát gần cuối con hẻm 244 phường 17, quận Bình Thạnh (TPHCM). Đúng lúc chúng tôi đến thăm, cô Hiệu trưởng Võ Thị Thùy cùng tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm và các thành viên trong ban quản lý đang thảo luận rất sôi nổi về kế hoạch phát triển tổ ấm tình thương mới chỉ ra đời gần 3 tháng.
Mở đầu câu chuyện, ông tâm sự: “Bản thân tôi là người cha có con chẳng may bị chứng bệnh tự kỷ nên tôi rất hiểu và cảm thông với nỗi dằn vặt tinh thần mà các bậc phụ huynh khác có con mắc bệnh này phải gánh chịu. Đó là động lực chính yếu thôi thúc tôi có hành động thiết thực nhằm đem lại tia sáng tương lai cho cuộc đời của các cháu”. Nói đoạn, ông chỉ tay vào bé trai chừng 7 – 8 tuổi gương mặt khá khôi ngô đang vui đùa với quả bóng ngoài sân: “Đó là con trai tôi, cháu đã tiến bộ rất nhiều so với thời gian trước đây”. Trên môi ông nở nụ cười mãn nguyện.Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí có tổng diện tích gần 3.000m² với 3 dãy nhà học A,B,C và mỗi dãy 4 phòng học. Tất cả các phòng học đều được trang bị máy lạnh, ti vi, đầu máy, đàn organ và camera quan sát cùng đầy đủ các loại đồ chơi đáp ứng cho nhu cầu phát triển về ngôn ngữ, âm nhạc, tạo hình và phát triển trí tuệ của trẻ. “Đầu tư cho mỗi phòng học này đắt gấp đôi, gấp 3 lần so với phòng học của một nhà trẻ hay trường mẫu giáo bình thường”, cô Thùy sốt sắng cho biết. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc về những tấm nhựa dẻo lót sàn khá sần sùi với những đốt gai chi chít, cô hiệu trưởng nhà trường giải thích rằng những đốt gai lố nhố nói trên là nhằm giúp cải thiện về xúc giác cho trẻ bị căn bệnh này.
TS-BS Huỳnh Tấn Mẫm đang dạy trẻ chào hỏi. Ảnh: Kỳ Vọng
Phần sân chơi, khu vực vận động ngoài trời cho các cháu nhỏ được thiết kế rất hài hòa trên diện tích 1.500m² rợp bóng cây xanh. Tương tự, các dụng cụ và đồ chơi ở lớp học, các mô hình như cầu thang uốn lượn, cầu tuột, xích đu, bãi cát… không chỉ nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu vui chơi của trẻ mà còn chữa bệnh. Hồ bơi với hệ thống phun nước dọc và ngang chính là sử dụng biện pháp thủy trị liệu đối với các cháu bị khiếm khuyết về cảm giác xúc giác; bập bênh, thang gỗ uốn lượn giúp trẻ điều chỉnh thần kinh tiền đình…
Cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hoan (29 tuổi) chia sẻ với chúng tôi rằng chính cô thường xuyên bị trẻ cào cấu, cắn, ném đồ vật vào người… Nhưng nhờ vào sự kiên trì, sự thông cảm và tình thương sâu sắc dành cho trẻ đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn. Cô Hoan hớn hở kể về thành công bước đầu của mình đó là cháu gái Ái Linh (4 tuổi) do cô chăm sóc và dạy dỗ. Từ chỗ gọi không biết thưa, lười ăn, sợ sệt khi tiếp xúc, hay chui vào gầm bàn, gầm tủ trốn… đến nay cháu đã chịu ăn, thích chơi cầu tuột, đu quay, biết gật đầu khi cô gọi. “Thấy cháu tiến bộ dần dần, em mừng khôn tả, và cũng thêm tự tin, quyết tâm đeo đuổi công việc nhân đạo cao cả này”, cô Hoan cười cho biết.
Hầu hết các giáo viên đang công tác tại Trường Khai Trí đều tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khoa giáo dục đặc biệt. Một số giáo viên đã được đào tạo chuyên sâu về ngành dạy trẻ tự kỷ và đã trải qua thực tế nhiều năm tại các trường chuyên biệt khác. Mỗi giáo viên của trường chỉ được chăm sóc 2 trẻ. Mỗi ngày, lúc giao nhận trẻ, phụ huynh và giáo viên đều thực hiện việc thảo luận, trao đổi tình hình chuyển biến của trẻ ở trường và ở nhà để kịp thời đề xuất biện pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả nhất. Hai phương pháp giáo dục chính yếu đang được nhà trường triển khai áp dụng đó là ABA (Applied Behavior Analysis - phân tích hành vi ứng dụng) và TEACCH (Treatment and Education of Autistic anh Children with Communication Handicaps – định huống điều trị và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp).
“Ngôi trường có được là nhờ sự chung tay góp sức của phần lớn bạn bè tôi trong phong trào đấu tranh sinh viên thời chống Mỹ, nên cũng chỉ nằm trong khả năng cho phép. Tuy nhiên, hầu hết trẻ đến đây đều là con em gia đình khó khăn, do vậy chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức và các mạnh thường quân khác trong xã hội để nhà trường có điều kiện đầu tư thêm trang thiết bị nhằm dạy dỗ, chăm sóc các cháu được tốt hơn”, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm bày tỏ nỗi lòng trước khi chia tay chúng tôi.
MAI NGUYỄN – BÍCH PHƯỢNG
(Báo SGGP Thứ hai, 20/09/2010)
Đang có 21 khách và không thành viên đang online