BÀI VIẾT “CẢM NGHĨ VỀ NGÀY HỘI NGƯỜI KHUYẾT TẬT 03/12/2011”
Sài Thành sáng nay có gì đó thật đặc biệt, hình như là một chút không khí se se lạnh vào buổi sớm mà tôi không nghĩ ở cái vùng đất được mệnh danh là nắng nóng quanh năm này lại có. Thôi thế này cũng tốt, trời đã ủng hộ cho chuyến đi suối Tiên nhân dịp “Ngày hội người khuyết tật” mà tôi đã chờ đợi từ lúc nghe thông báo.
7h30 sáng, chúng tôi đã có mặt tại nơi cần đến. Đón chúng tôi là một bạn tình nguyện viên trẻ tuổi hiền lành, ít nói. Sau khi qua cổng, đoàn chúng tôi nhập chung với rất nhiều các đoàn khác đến từ các quận và các tỉnh lân cận để dự lễ khai mạc. Bắt đầu từ đây, mọi thứ diễn ra thật khác so với những gì tôi tưởng tượng. Mở đầu cho chương trình khai mạc là một bài hát khá nổi tiếng nhưng cũng khá “nặng nề”
của Trịnh Công Sơn: “Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng”, điều này cứ làm tôi nghĩ mãi. Bao nhiêu câu hỏi cứ quấn lấy tôi: Tại sao Ban tổ chức lại chọn bài hát này mà không phải là một bài khác tươi vui, có tính chất “cổ vũ” hơn? Tại sao người trình bày bài hát này lại là một người khuyết tật chứ không phải là một ca sĩ nổi tiếng nào đó mà giới trẻ chúng tôi rất muốn gặp? Sau chuyến đi dài với bao nhiêu điều thú vị xảy ra, từ việc tham gia rất nhiều trò chơi miễn phí, cho đến cảnh tận mắt chứng kiến những chú cá heo xinh xắn thông minh đến từ Indonexia làm xiếc rồi cả bữa tiệc bubfe chất lượng, ấm cúng, mỗi một hoạt động tôi điều tham gia với tất cả sự hứng thú và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hiếm có dịp để được dạo chơi ở một nơi xinh đẹp thế này, đặc biệt lại được đi cùng học trò và phụ huynh nên tôi tận dụng mọi cơ hội. Tuy nhiên tôi vẫn không sao gạt bỏ được những câu hỏi đó trong đầu mình. Một ngày vui chơi bổ ích nhanh chóng kết thúc, về đến nhà, tôi nhẫm đi nhẫm lại những câu hát trong bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” và tôi quyết định ghi nó ra để đọc cho thật kỹ và lần này, tôi hiểu quyết định của ban tổ chức là đúng đắn.
Là một sinh viên sư phạm ra trường chưa lâu, tôi hiển nhiên chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục vậy mà cái duyên cuộc đời lại đưa tôi đến với nghề dạy trẻ tự kỷ. Mấy tháng đầu tiên dạy, không ít lần tôi chứng kiến phụ huynh nhìn con em chơi đùa hồn nhiên mà nước mắt cứ trào ra trong lặng lẽ. Những lúc đó, từ lóng ngóng tôi chuyển sang đồng cảm rồi cũng vỡ òa niềm đau cùng họ.
Học sinh của tôi là những thiên thần, các em cũng xinh đẹp, cũng hiếu động, cũng đáng yêu nhưng sao có nhiều lúc không ai chạm được vào thế giới của các em cả. Còn gì đau đớn hơn khi thế giới bên ngoài đầy thú vị, tình thương vô bờ bến của ba mẹ, sự chăm sóc ân cần của giáo viên…đều không được các em cảm nhận! Tâm hồn của các em như lạc đi đâu đó, phiêu bồng đâu đó trong sự tuyệt vọng của người thân.
Tôi hiểu như vậy và lúc nào trong đầu tôi cũng cho rằng những ai mắc căn bệnh đó đều rất đáng thương và có lẽ là đau đớn nhất trong tất cả nỗi đau của con người. Nhưng hôm nay, khi được hòa mình vào không gian của những người khuyết tật ở rất nhiều dạng, từ khiếm thính, khiếm thị cho đến người câm, người khuyết tật chân tay, tôi hiểu rằng họ có cùng nỗi đau! Mất đi một giác quan, mất đi một phần thân thể là mất đi một phần thế giới, một phần cuộc sống. Ai cũng phải đấu tranh, cũng phải cố gắng hàng trăm lần so với người lành lặn và có lẽ học sinh của tôi, những thiên thần ấy cũng đang đấu tranh như vậy. “ Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là em”. Vâng, trong em có tôi và trong tôi có em. Nỗi đau, sự thiếu hụt, mất mát của em có lẽ tôi cũng đang mang, chúng ta giống nhau, gặp nhau ở điểm nào đó vì thế đừng tuyệt vọng, đừng quá buồn phiền bởi niềm đau riêng. Có lẽ đây là lời nhắn nhủ không chỉ dành cho chính những người khuyết tật mà còn dành cho người thân và đặc biệt là những người nằm trong ngành giáo dục như chúng tôi. Tôi nghiệm ra rằng từ trước đến nay chính tôi đã ghìm mình trong nỗi đau, sự mất mát của những học sinh tôi yêu thương để rồi nhìn cuộc sống quá ư là nặng nề, tôi đã bó buộc tình cảm, tâm trí mình trong sự u uất đó khiến không chỉ tôi mà học sinh của tôi cũng bị ảnh hưởng xấu. Phải thay đổi, tuy có hơi chậm nhưng mình phải thay đổi mới được. Chấp nhận thực tại, chia đi niềm đau và nên biết rằng còn rất nhiều người có hoàn cảnh giống, thậm chí bi đát hơn mình và những người mình yêu thương để rồi tìm cho mình một hướng đi, một suy nghĩ tích cực. “Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá cuộc đời này!” Dù tôi là ai thì tôi cũng sẽ yêu quá cuộc đời này!
Một thông điệp giản dị nhưng vô cùng sâu sắc đã được chính những người khuyết tật gửi đến chúng ta, phải chăng chính họ đã an ủi, động viên những người “ngoài cuộc” không nên quá “đồng cảm” với họ? Thôi thì:
“Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống?
Vì đất nước cần một trái tim…”
Người Viết:
Trương Thị Thiên.
Giáo viên Trường GDCB Khai Trí
Quận Bình Thạnh - TP. HCM.
Đang có 17 khách và không thành viên đang online