Công Viên Tuổi Thơ
Vâng, chỉ cần đứng ngoài nhìn vào, bạn đã có thể cảm nhận mình đang bước vào một công viên tuổi thơ. Trên những bức tường quanh trường là những bức tranh màu sắc tươi tắn, như con khỉ này, như con cáo này, cô bé khăn quàng đỏ này…….., rồi những xích đu ,cầu tuột….Và cả hồ bơi xinh xinh….Khiến bạn tự nhiên thấy lòng nhẹ lâng lâng và muốn mình như hồi bé thơ năm nào, để rồi lại tung tăng ,chạy nhảy, lại leo lên bập bênh, cầu tuột, lại la hét, cười đùa. Nếu bạn ghé phòng tâm vận động bạn sẽ thấy ….toàn là đồ chơi , nào là cái ống to tướng, đứa bé con có thể chui lọt, nào là những khối hình tròn, hình vuông…sơn xanh đỏ rất đẹp, Nhưng chẳng biết làm gì…Nhìn quanh chẳng thấy bảng, thấy phấn ở đâu cả. Cứ chịu khó ở lại và quan sát, sẽ lại thắc mắc,tại sao giờ học mà cô giáo lại hướng dẫn cho các em chơi, nào chui ống, lăn bi…Thế là làm sao?
Hình như trẻ đến trường này, từ sáng tới chiều chỉ là chơi thôi. Chưa rõ,nhưng cứ nhìn những gương mặt trẻ thơ chợt sáng lên khi cha mẹ đưa đến cổng trường, thì tôi cũng tin rằng chắc chắn ở đây có những niềm vui cho chúng.
Học mà vui ….. chơi
Vào Trường Khai Trí, người ta có thể thấy ngay một bandron treo giữa sân trường, nơi dễ thấy nhất, như để nhắc nhỡ các thầy cô làm sao để trẻ: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui “. Chủ tịch hội đồng quản trị của trường, ông Huỳnh tấn Mẫm nói: Trước hết, trẻ đến đây sẽ cảm thấy vui, thấy tự tin, giảm bớt đi những mặc cảm….thì rồi mới có thể dạy cho trẻ cái này, cái kia. Anh nên nhớ đó là trẻ tự kỷ mà. Vì vậy, cái khẩu hiệu ngòai kia không chỉ là khẩu hiệu, mà đó chính là mục tiêu chính của chúng tôi. Ông Mẫm giải thích thêm: Những thứ mà anh thấy trong lớp học, đúng là đồ chơi đấy, nhưng đó là đồ chơi để dạy học. Ví như cái trái banh đó là “ banh xúc giác “, nó có gai đấy, trẻ cứ lăn qua lăn lại, có khi ngồi lên nó sẽ cảm giác, khi những gai cao su đâm vào vừa êm êm, nhột nhột. Còn cái ống kia còn gọi là ống thăng bằng: cho các em bò qua, biết giữ cho nó lắc lư và đẫy lùi được cảm giác sợ sệt. Mấy cái khối xanh đỏ như bập bênh kia cũng có tác dụng tương tự. Hướng dẫn tôi quanh trường, chỉ có cái hồ bơi, ông bảo đấy không phải là hồ bơi thông thường mà là hồ bơi trị liệu: có vòi nước xịt từ dưới lên, từ bên cạnh sang và cả từ trên xuống cứ như mưa rơi trên trời xuống vậy. Ngay cả cái thảm đi quanh hồ cũng là để trị liệu. Nó có những cái gai để massage bàn chân. Tất cả những thứ đồ chơi đó đều có tác dụng giúp trẻ tăng cường khả năng các cơ quan vận động và các giác quan thính giác, thị giác, xúc giác.
Khai Trí đã bỏ khá nhiều tiền vào để mua và tạo mẩu mã mới sao cho lạ mắt, vừa đèm đẹp để hấp dẫn trẻ, dụ trẻ.
Cô giáo như mẹ hiền
Lại thấy một bandron lớn trong sân trường, như một lời nhắc nhở, như một quy tắc ứng xử ở ngôi trường bé nhỏ này: ” Cô giáo như mẹ hiền”.
Hai lần ghé trường và ở tới tận trưa, làm việc với ban giám hiệu, với phụ huynh của trường trong một căn phòng nhỏ, cửa mở ngay ra sân trường, rồi cả những lần thăm, hoặc rình trộm ghé mắt vào các lớp, chưa một lần nào chúng tôi bắt gặp các cô to tiếng với các cháu. Ngay cả giờ chơi, chúng tôi chỉ nghe thấy những tiếng cười rúc rích, rất vui mà không ồn ào,ầm ĩ. Cái điều đáng nói hơn là những người mẹ hiền nơi đây, không chỉ chăm sóc các em như con, mà còn là những người mẹ có sư phạm, có kỹ năng chăm sóc tốt cho các em. Ở trường Khai Trí có 12 giáo viên, thì có 2 cô đại học sư phạm, 10 cô là cao Đẳng sư phạm. Lại nữa cứ một cô thì chăm sóc 2 – 3 cháu cố định. Thử hỏi ngày tháng cứ qua đi, bữa nào cũng lo cho các cháu từng miếng ăn giấc ngủ, rồi theo dõi theo từng ngày tháng tiến bộ của các cháu về cân trọng, về hiểu biết….làm sao các cô chẳng coi các cháu như con, mà làm sao mà các cháu lại không thương cô như mẹ hiền.
Việc ăn uống của học sinh trường Khai Trí được tính toán theo calo cho từng bữa và mỗi ngày đều có thực đơn cụ thể, đổi món cho các cháu ngon miệng.
Bất cứ bạn đến khai trí ghé thăm lớp nào và vào giờ nào, kể cả giờ chơi, cũng dễ dàng nhận thấy những gia đình nho nhỏ đang quây quần bên nhau thật là dễ thương và thật là yên tâm.
Học – Tập – Chữa bệnh
Chơi để học, chơi để tập luyện nâng cao sức khỏe và trí tuệ là chuyện dễ hiểu. Nhưng học mà chữa bệnh như ở khai trí thì còn nhiều điều phải nói. BS Huỳnh Tấn Mẫm, vâng CTHĐQT Trường Khai Trí cũng là bác sĩ nói: Đây là một chuyện tế nhị. Nhiều bậc cha me không muốn nói là con mình bị bệnh – nó chỉ yếu chút gì đó thôi, mà thực sự là cháu bị bệnh. Và trường này khi mở, muc tiêu cũng chính nhằm trị bệnh cho các cháu, làm sao để trả các cháu về với gia đình, về xã hội là một con người khỏe mạnh, bình thường như bao mọi người khác.
Cô Võ Thị Thùy, hiệu trưởng nhà trường đưa cho chúng tôi một số tài liệu, nào là sổ liên lạc gia đình, trong đó có biểu đồ theo dõi, đánh giá sự phát triển trí tuệ của trẻ hàng tháng, sổ kế hoạch học tập cá nhân ghi rõ nội dung hướng dẫn trẻ và kết quả, cũng như nhận xét của giáo viên theo dõi thường kỳ. Và còn một test Pep – 3, cũng đễ trắc nghiệm trí tuệ của trẻ.
Trường có một bệnh xá 2 bác sĩ và một y tá túc trực thường xuyên để theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của các trẻ.Có một phòng giáo dục trị liệu tâm vận động dành để nâng cao thể chất cho trẻ và một phòng trị liệu tĩnh( lặng) – cho trẻ vẻ ,nghe nhạc, xếp hình. Các trẻ sinh hoạt ở 2 phòng này mỗi ngày 45 phút.
Và kết quả đáng khích lệ những gì má các thầy cô ở đây đã tâm huyết. Cô Phạm
Thị Hồng Nga là mẹ của bé Đinh Thị Hiếu Vy, 5 tuổi, tỏ ra rất vui với chỉ sau 6 tháng ở trường cháu đã tiến bộ rỏ rệt, biết tô màu, không còn biếng ăn, xưa hay đánh, ngắt người khác, nay hết hẳn…… Lâm Kiều Nga là bà ngoại của bé Lâm Minh Hào,7 tuổi nhưng tuổi tư duy chỉ tương đương 20 tháng tuổi, mới vào trường được đúng một tháng, mà về đêm đã ngủ ngon, ít quậy, chân trước đi cà đơ và cứ ủi đại, nay đi bình thường. Hồi ở nhà cứ bốc cơm vứt đi nay đã tự múc ăn từ từ…
Cô hiệu trưởng mở sổ theo dõi các trẻ cho thấy, hầu như các trẻ nào vào trường, sau một thời gian đều có những tiến bộ tích cực khiến các bậc cha mẹ an tâm và chính những người chung tay góp sức mơ ra ngôi trường này thêm tự tin vượt qua nhưng khó khăn trước mắt.
Tiền không là tất cả, nhưng…
Trường Giáo Dục Chuyên Biệt Khai Trí là một trường tư thục, trường do những người cùng tâm nguyện và có hoàn cảnh tương tự, như chủ tịch HĐQT Huỳnh Tấn Mẫm cũng có con bị tự kỷ. Mở trường không những giúp con người mà còn giúp chính mình. Ông Mẫm cho biết thêm hiện nay trong khi cả nước còn đến 700.000 trẻ khuyết tật chưa được đến trường và lượng giáo viên cần bỏ sung để đáp ứng là 200.000 thì hàng năm chỉ có 200 cô ra trường. Không thể cứ ngồi chờ…
Trường đi vào hoạt động, ai cũng vui mừng và rồi cũng đều gồng lên để làm cho trường đúng theo sở nguyện. Nhưng rồi cũng bắt đầu nảy sinh nhiều áp lực. Cô hiệu trưởng vốn từng làm hiệu trưởng một trường khuyết tật, đến lúc cũng phải bộc bạch. Vẫn cần nhiều tiền lắm, vì hiện tại cơ sở chỉ có thể tối đa 30 cháu, mặt khác cứ tăng 2 – 3 cháu lại phải tìm cho được một cô giáo. Còn nhiều khó khăn lắm. Ông CTHĐQT thì lại gãi đầu gãi tai, thực ra cứ thu đúng thu đủ thì cũng cố thể cân đối thu chi, nhưng có trường hợp, mình chỉ thu 50% – 60% so với mức phải đóng, vì nhiều người nghèo mà còn mắc cái eo nữa, biết làm sao. Cái tâm mình cũng đang còn muốn giúp họ mà.
Ước gì …Cô Hiệu trưởng nói: Mình được hỗ trợ một phần như các trường công,
mỗi năm được rót vài tỷ lo cho các cháu thì… Câu chuyện đến đây thì dừng, vì nó đi vào ngõ cụt.
Về nhà chợt nhớ tới luật người khuyết tật, mà Quốc hội khóa XII mới thông qua ngày 17/6/2010, mở coi, thấy tại điều 10. Quỹ hỗ trợ người khuyết tật, cho thấy quỹ được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…Đặc biệt tại mục b còn ghi: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vậy liệu những trường như Khai Trí có được hưởng chế độ đó không nhỉ? Chẳng hiểu nữa, vì trong luật không thấy hướng dẫn bằng cách nào để thực hiện chuyện lý tưởng ấy. Nhưng cứ nghĩ luật là luật cho chung người khuyết tật ở đâu chẳng vậy, cũng đáng thương đáng chăm sóc nữa, nếu chăm sóc chữa bệnh tốt để trẻ về với gia đình, hòa nhập với xã hội, thì chưa nói gì đến chuyện các em có đóng góp gì cho xã hội không, nhưng gánh nặng của xã hội sẽ cất được và tính nhân văn, nhân bản của xã hội được nhân lên. Như vậy chẳng phải nhà nước rất nên quan tâm để luật đi vào được cuộc sống sao.
Năm mới, con mèo, chúc Khai Trí thông được cả trí và cả tài chính để trường ngày một đi lên.
Tác giả: KHÁNH KIM.
Chuyên san PHƯƠNG
Diễn đàn của trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Đang có 5 khách và không thành viên đang online