Giáo dục tình dục cho người chậm phát triển
Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ bởi ít ai quan tâm, kể cả gia đình của họ lẫn xã hội. Hằng ngày, hãy dạy trẻ nhiều loại trò chơi hơn để trẻ xao lãng chuyện bản năng.
Lần đầu tiên Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động TP.HCM (TTCH-PHCN) tổ chức hội thảo khoa học về hoạt động tình dục của người khuyết tật. Hội thảo có sự tham gia bàn luận của nhiều lãnh đạo trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật khu vực phía
Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc TTCH-PHCN, nhận định giáo dục tình dục đối với người khuyết tật là vấn đề còn bỏ ngỏ bởi ít ai quan tâm, kể cả gia đình của họ lẫn xã hội. Thực trạng này có thể tạo nên sự căng thẳng tâm sinh lý nơi người khuyết tật khiến họ trở nên thích gây hấn, phá phách...
Càng cấm trẻ càng ham muốn
Theo bác sĩ Lê Thị Hiền Nhi, Làng Hòa Bình (BV Từ Dũ), sau quá trình theo dõi sự phát triển của trẻ tại Làng Hòa Bình, bác sĩ nhận thấy trẻ nam có biểu hiện dậy thì (hoặc ham muốn tình dục) từ 12 đến 15 tuổi, trẻ nữ từ 13 đến 16 tuổi. Sự biểu hiện ra bên ngoài tùy thuộc vào mức độ phát triển trí tuệ.
Đối với trẻ khuyết tật về vận động trong độ tuổi này, tâm sinh lý các em khá giống với trẻ bình thường. Thế nhưng bản năng của trẻ chậm phát triển trí tuệ vừa và nặng (trừ những trẻ có đời sống thực vật) biểu hiện rất mãnh liệt. Trẻ hay sờ mó những vùng nhạy cảm của bản thân, người khác... Những trẻ này thường bị hấp dẫn bởi giới tính, biểu hiện qua việc thích ngồi gần, thích ngủ chung với người khác phái…
“Với những trẻ có thể hiểu được, chúng tôi giải thích, hướng dẫn, dành thời gian lắng nghe tâm sự của trẻ. Đối với những trẻ chậm phát triển vừa hoặc nặng, chúng tôi theo dõi cách ly trẻ, ngăn cấm trẻ khi có biểu hiện quá mức” - bác sĩ Nhi nói. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Nhi, càng cấm, trẻ càng muốn làm, với biểu hiện tức tối, phản đối. Đáng lo là khi không có người lớn, trẻ sẽ không tự chủ, sẽ bị lợi dụng khi gặp người xấu.
Phải giáo dục thường xuyên
Theo GS Mathew K.Yau, tình dục là nhu cầu như cơm ăn, nước uống hằng ngày nên giáo dục tình dục cho người khuyết tật trí não là việc rất quan trọng. Cần giáo dục họ nhận biết về cơ thể mình, phần chung và phần riêng. Phần chung như cái tay thì có thể bắt nhau nhưng không thể sờ vào người khác. Còn ngực, bộ phận sinh dục… là phần riêng của mỗi người, không được chạm vào người khác… Quá trình giáo dục cần lặp đi lặp lại nhiều lần… Bởi trẻ khuyết tật sẵn sàng thủ dâm ngay trước mặt người khác, đó là bình thường, là bản năng nhưng trẻ không nhận biết được.
“Không nên e ngại khi thấy trẻ kích thích bằng cách gồng người. Hằng ngày, hãy dạy trẻ nhiều loại trò chơi hơn để trẻ xao lãng chuyện bản năng. Nếu trẻ không hiểu việc trẻ đang làm thì hãy đưa trẻ vào phòng riêng, giáo dục lặp lại nhiều lần để thành thói quen.
Hành vi trẻ tự sờ mó bản thân chưa hẳn là ham muốn, nhiều khi đó chỉ là cách trẻ dùng cơ thể để biểu hiện thay điều trẻ không nói được. Đối với một trẻ khuyết tật mà nói được, chúng sẽ không làm vậy mà nói điều mình muốn với gia đình.
Người bại não có nên sinh con?
Lãnh đạo một trung tâm nuôi dưỡng trẻ bại não phân vân: Phải làm thế nào đối với trẻ bại liệt, liệt não vì dù trí tuệ không phát triển nhưng bộ phận sinh dục của trẻ vẫn phát triển bình thường? Trả lời thắc mắc đó, GS Mathew K.Yau cho rằng tình dục không nhất thiết phải kết hôn mới thỏa mãn được, tình dục cũng không phải chỉ có mục đích duy nhất là sinh ra con cái.
Một vấn đề khác được đặt ra, với một người bại não là con một, cha mẹ muốn có cháu nối dõi thì có được không? Theo GS Mathew K.Yau, tùy hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân gây bại não mà người đó có thể quyết định có con hay không. Không phải người khuyết tật nào cũng sinh ra những đứa con khuyết tật. Trừ những người khuyết tật do di truyền, còn những người khuyết tật do tai nạn, sang chấn tâm lý hoàn toàn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Vấn đề này thuộc quyền quyết định bởi người bạn đời và cha mẹ.
Người khuyết tật vẫn có nhu cầu tình dục Người khuyết tật có nhu cầu tình dục như người bình thường. Tuy nhiên, nhân viên y tế thường cảm thấy không thoải mái khi đề cập đến vấn đề này. Thực tế, vẫn còn nhiều quan điểm chưa thỏa đáng về vấn đề tình dục với người khuyết tật, cho rằng tình dục là có hại, không tốt cho sức khỏe… Đời sống tình dục vẫn có thể thỏa mãn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh về nhiều mặt và quan trọng nhất là sự hỗ trợ, hiểu biết và hợp tác từ người bên kia… GS MATHEW K.YAU,ĐH James Cook, Úc |
Tác giả: Duy Tính
Đang có 9 khách và không thành viên đang online