(Thanh tra) - Đó là những câu hỏi quặn lòng của không ít phụ huynh dành cho tôi khi đi tìm hiểu về con đường hòa nhập của trẻ tự kỷ. Họ đau đớn khi chứng kiến con mình vật lộn với bệnh tật một, thì đau đến mười khi phải đón nhận sự kỳ thị từ chính những người xung quanh.
Sự kỳ thị ấy không chỉ cướp đi cơ hội được học, được vui chơi sau hành trình dài trị liệu, can thiệp sớm của học sinh, mà còn gián tiếp dập tắt đi những tia hy vọng về một ngày mai con mình trở lại bình thường của các bậc phụ huynh. Nỗi đau ấy càng tăng lên bội phần khi cánh cửa trường học gần như vẫn đóng chặt với những trẻ tự kỷ.
Chị Nguyễn Hà Phương, có con đang theo học tại Trường Tư thục Chuyên biệt Khai Trí, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ mà nước mắt không ngừng rơi: Cháu mắc bệnh đã 5 năm nay, nỗi vất vả và cực khổ trong hành trình can thiệp, trị liệu tâm lý nhằm giúp cháu có thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa không khiến tôi mệt mỏi. Nhưng nói thật, việc tìm cho cháu một mái trường để hòa nhập quả thật còn khó hơn hái sao trên trời.
Chị Phương chua chát nói, đi đến đâu nhà trường từ chối đến đó. Lạy lục, van xin, thậm chí là nhờ các mối quan hệ để "tác động" nhưng cũng chỉ được dăm bữa, vài hôm là cháu lại bị trả về. Sự kỳ thị đối với cháu từ phía phụ huynh, học sinh còn quá nặng nề, nhiều lúc ngồi ở nhà với cháu, nhìn cảnh con người khác tung tăng đến trường mà mình như đứt từng khúc ruột. Chính vì thế tôi chẳng còn cách nào khác đưa cháu đến đây học, mong sẽ có một ngày con mình đỡ hơn.
Cùng chung nỗi khổ tìm trường cho con, chị Trần Ánh Ph., quê Tây Ninh có con đang theo học tại Trường Tư thục chuyên biệt Ban Mai, cũng trên địa bàn quận Bình Thạnh, đã phải dùng đến chiêu "chạy hộ khẩu" mới có thể xin được cho con một chỗ học. "Ngay khi con còn học mầm non, tôi đã quá vất vả chạy trường cho con rồi. Con tôi không bị thiểu năng trí tuệ như mọi người nói, mà chỉ chậm phát triển hơn trẻ khác thôi. Các bác sĩ ở khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 nói như vậy, nhưng chẳng hiểu sao cứ xin vào học được trường nào thì y như rằng, chưa hết học kỳ là nhà trường gọi lên kêu trả cháu về. Lý do trường đưa ra là không đủ giáo viên, không có cơ sở vật chất. Tuy nhiên, tôi biết chủ yếu là họ sợ con tôi làm ảnh hưởng đến việc học tập của những học sinh khác", chị Ph. chia sẻ.
TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm, Hiệu trưởng Trường Tư thục chuyên biệt Khai Trí cho biết: Xã hội và ngành Giáo dục đều nói không kỳ thị với trẻ tự kỷ, nhưng kỳ thật việc tìm cho trẻ một mái trường để hòa nhập khi đến tuổi là vô cùng khó. Bản thân tôi vì không thể mở cánh cửa trường học cho con nên chẳng cách nào khác phải tìm hướng đi để cứu lấy con mình. Sau nhiều năm vật lộn với hành trình đầy gian nan kéo con về với bình thường, tôi cho rằng với những trẻ tự kỷ, khi được học chung cùng những trẻ bình thường khác, các em sẽ học được cách giao tiếp từ những người bạn ấy. Hơn nữa, trong một môi trường bình thường, trẻ tự kỷ sẽ phải nỗ lực vươn lên để theo đuổi mục tiêu chung như những trẻ khác. Trẻ tự kỷ có khó khăn về mặt giao tiếp xã hội, chứ không phải là không có khả năng học tập.
Tuy nhiên, hiện nay tại hầu hết các trường tiểu học, lại chưa có giáo viên giáo dục hòa nhập. Mặt khác, các thầy cô đứng lớp chưa hề được tập huấn hay qua các chương trình đào tạo về trẻ tự kỷ, nên nếu trường có nhận vào cũng "chào thua" vì không biết dạy trẻ ra sao, điều đó khiến họ ngại tiếp nhận trẻ.
Nhìn nhận ở góc độ một nhà nghiên cứu, TS. Lê Văn Tạc, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục khẳng định: Giáo dục hòa nhập về nguyên tắc là hỗ trợ mọi học sinh, trong đó có trẻ khuyết tật, cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học phù hợp tại trường phổ thông nơi trẻ sinh sống, nhằm chuẩn bị trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được những thành quả quan trọng về nhiều mặt. Mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cho giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành và đang phát triển.
Tuy nhiên, thực trạng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật, về khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Chính vì thế, trong thực tế không ít phụ huynh, cán bộ giáo dục và giáo viên các trường vẫn mang tư tưởng e ngại, điều này khiến cho không ít trẻ phải thiệt thòi.
Tú Anh Nguyễn
Nguồn từ: http://thanhtra.com.vn/bai-1-quyen-duoc-hoc-cua-em-dau_t221c8n64679.html
Đang có 17 khách và không thành viên đang online