CAN THIỆP GIÁO DỤC CHO TRẺ TỰ KỶ

Được viết ngày 24 Tháng 12 2013

CAN THIỆP GIÁO DỤC CHO TRẺ TỰ KỶ

THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG

Võ Thị Thùy

Hiệu trưởng

Trường chuyên biệt Khai Trí

Chúng tôi, đội ngũ trường GD CB Khai Trí TP HCM chăm sóc và giáo dục riêng cho các trẻ mắc hội chứng tự kỷ, ADHD và các trẻ có khó khăn ngôn ngữ rất hân hạnh được tham dự hội thảo do tổ chức Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Trung ương tổ chức tại TPHCM.

Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí được thành lập từ năm 2010 xuất phát từ ý thức của Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm muốn giúp con mình có được nơi chăm sóc, giáo dục và giúp cho con em của những phụ huynh khác có cùng hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi xin trình bày phần đóng góp vào thành quả chung cho việc can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ tại TP HCM.

Trước tiên chúng tôi sơ nét về lịch sử thành lập trường.

Vào những năm 2005- 2010, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có các trường chuyên biệt bao gồm nhiều loại tật, hay các trung tâm can thiệp sớm theo tiết học đơn lẻ, nhưng chưa có trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ, ngoài ra sự nhận biết mọi người về tự kỷ chưa nhiều nên sự quan tâm của xã hội còn hạn chế thậm chí chưa có một văn bản nào dành cho trẻ tự kỷ kể cả trong luật người khuyết tật, từ đó chưa có chế độ chính sách của nhà nước đối với dạng trẻ này.

Cũng chính vì thế con của BS Huỳnh Tấn Mẫm không được can thiệp kịp thời, nên đến thời điểm mở trường cháu đã qua giai đoạn tuổi vàng can thiệp. Tuy nhiên trể còn hơn không, BS Huỳnh Tấn Mẫm cùng với những người bạn thời thanh niên đã cùng góp vốn thành lập trường, với sự giúp đỡ về chuyên môn của các bác sĩ BV Nhi đồng 1, của các bạn chuyên gia từ Canada, Mỹ, cùng với sự chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ của các trường Chuyên Biệt Gia Định, Chuyên biệt Hướng Dương Tân Bình và tham dự các lớp học bồi dưỡng của ĐHSP, Cao Đẳng SP, do các chuyên gia Mỹ, Úc, Israel hướng dẫn.

Ngôi trường dành cho trẻ tự kỷ được hình thành tọa lạc trên diện tích 1000 m2 tại phường 17, quận Bình Thạnh với 12 nhóm lớp, 43 giáo viên, 13 nhân viên nuôi dạy điều trị cho 130 học sinh bị rối loạn tự kỷ và ADHD.

Vấn đề trẻ em tự kỷ là vấn đề mới nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ như các nước tiên tiến. Ví dụ như ở Canada mỗi trẻ tự kỷ được chi 30.000 USD/năm giúp trẻ phát triển, chưa kể cấp kinh phí cho các tổ chức nghiên cứu về tự kỷ. Ở Việt Nam, trường dân lập chỉ được cấp giấy phép hoạt động, được tham dự các lớp bồi dưỡng tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Người khuyết tật của Sở GD TPHCM.

Tuy nhiên chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình để xây dựng tốt nhà trường của mình, giúp cho phụ huynh có con bị tự kỷ có nơi chăm sóc và giáo dục và mọi người hiểu hơn về tự kỷ.

Những việc chúng tôi đã làm được:

1. Công tác tuyên truyền vận động:

a. Thông tin báo đài: Chúng tôi mời các phóng viên báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Saigòn Giải Phóng , các đài truyền hình HTV, VTV, FBNC, VTV6, VTC10....đến trường thực hiện phỏng vấn, quay phim và đưa tin giúp cho nhiều người hiểu biết về tự kỷ.

b. Phổ biến Sổ tay tự kỷ của Bác sĩ : thông qua chuyên gia tự kỷ tại Canada, chúng tôi đã được tổ chức HANS (Help Autism Now Society- Hãy giúp trẻ tự kỷ ngay bây giờ ) của Mỹ cho phép dịch và xuất bản quyến "Sổ tay tự kỷ của bác sĩ" sang tiếng Việt và nhờ sự hỗ trơ của các đơn vị và cá nhân chúng tôi cung cấp miễn phí cho mọi người và các đơn vị có nhu cầu nhất là cho các bác sĩ, giáo viên, và phụ huynh.

Kết quả là chúng tôi đã phổ biến Sổ tay tự kỷ của Bác sĩ rộng rãi:

+ trên các website :

- www.truongchuyenbietkhaitri.com

- www.giuptrephattrien.com

- www.helpautismnow.com/international

+ đối với phụ huynh và những người quan tâm tự kỷ không có điều kiện tiếp cận internet Trường chúng tôi vận động các nhà hảo tâm giúp kinh phí để in và phát miễn phí 9.000 cuốn, Sở GD-ĐT TPHCM và UNICEF in 5,000 cuốn cho các trường trong TPHCM, kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Tổng cộng đã in được 15.000 cuốn. Còn một số địa phương như Hà Nội và Đà Nẵng cũng đã nhận bản quyền từ chúng tôi để in.

+ chúng tôi cũng tự nghiên cứu và học tập, bồi dưỡng, viết bài, quay các clip hướng dẫn giảng dạy... cho website trường chuyên biệt Khai trí và số người truy cập tìm hiểu gần 300.000 lượt .

+ để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của Trường, chúng tôi đã tìm đọc, theo dõi và nghiên cứu học hỏi các kinh nghiệm các nước tiên tiến về điều trị y sinh. Gần đây nhất phim "Bí ẩn tự kỷ" ( The Autism Enigma, 2012) do truyền hình CBC Canada phổ biến một kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Canada, Thụy Điển và Mỹ cho thấy là "bệnh tự kỷ" có triển vọng trị điều trị tốt bằng y sinh. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra hệ thống vi khuẩn đường ruột của trẻ tự kỷ là một nguyên nhân làm gia tăng những rối loạn tự kỷ của trẻ. Do di truyền, trẻ tự kỷ có một hệ miễn nhiễm không được khỏe. Có một số chất như kháng sinh, và đặc biệt là chất đường, casein và gluten trong thực phẩm mà trẻ hấp thụ tác hại đến hệ vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột của trẻ. Hệ vi khuẩn lành mạnh bị hệ vi khuẩn độc hại giết chết, làm rối loạn đường tiêu hóa của trẻ đưa tới các bệnh táo bón, tiêu chảy. Hơn thế nữa hệ vi khuẩn xấu đó còn tiết ra độc chất tác động lên não bộ làm gia tăng rối loạn trong não bộ khiến trẻ không kiểm soát được các hành vi bùng nổ gia tăng.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy nếu chế độ ăn uống và kháng sinh được cãi tiến thì có nhiều cơ may bình phục một số triệu chứng rối loạn về đường ruột cũng như cải thiện về hành vi.

Tại trường Khai Trí chúng tôi đã thử nghiệm điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Cho trẻ dùng gạo lứt thay cho gạo trắng, sữa đậu nành thay cho sữa bò, hạt sen, kết hợp với rau quả, chúng tôi hạn chế cho trẻ dùng sữa bò và thực phẩm làm từ lúa mì tác hại lên sự tiêu hóa của trẻ, giúp trẻ tránh được táo bón, tiêu chảy, do đó trẻ giảm tăng động, gia tăng chú ý. Việc can thiệp và giáo dục trở nên dễ dàng hơn và trẻ đã cải thiện được nhiều về hành vi giao tiếp và tương tác xã hội tốt hơn, hỗ trợ cho việc can thiệp giáo dục khá nhiều

2/ Xây dựng được mô hình can thiệp hiệu quả cho học sinh tuổi can thiệp sớm và học sinh dưới 10 tuổi.

Chúng tôi tổ chức nhà trường theo hướng hòa nhập nhưng phương pháp can thiệp theo hướng chuyên biệt có nghĩa là tất cả việc bố trí các hoạt động gần như trường mầm non, tiểu học bình thường để khi trẻ ra hòa nhập nhanh chóng thích nghi.

3/ Các phương pháp được áp dụng:

Có 4 nội dung phương pháp được áp dụng:

- Phương pháp TEACCH

- Các hoạt động trị liệu.

- Giáo dục mọi lúc mọi nơi.

- Điều trị y sinh.

6

a. Phương pháp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Related Comunication Handicapped Children)( Phương pháp điều trị và giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ có khó khăn về giao tiếp.)

• Lượng giá (test PEP3) đánh giá tuổi phát triển , khả năng học vấn của trẻ.

• Can thiệp tiết cá nhân và dạy nhóm 3 học sinh (ABA)

• Giao tiếp bằng hình ảnh - PECS

• Câu chuyện xã hội ( social stories)

b. Các hoạt động trị liệu

(Dựa trên hoạt động chủ đạo: Vui chơi)

- Tâm lý vận động

- Hoạt động dưới nước ( thủy trị liệu)

- Điều hòa cảm giác (các giác quan) (sensory integration)

- Âm ngữ trị liệu (phát triển ngôn ngữ, giúp trẻ nói)

c. Xây dựng môi trường nhà trường theo hướng hòa nhập cộng đồng (hoạt động như trường Mầm Non, tiểu học nhưng phương pháp chuyên biệt).

Trường giáo dục trẻ mọi lúc mọi nơi bằng hoạt động hướng về thiên nhiên và xã hội:

- Hoạt động ngoài trời.

- Dạy kỹ năng xã hội:

* Tổ chức lễ hội (đem xã hội vào trường)

* Dạy kỹ năng tự lập – tự phục vụ.

* Tổ chức thường xuyên các hoạt động dã ngoại

Giáo dục các kỹ năng hoạt động ngoài xã hội: đi công viên, siêu thị, sân bay, nhà ga, đi xe bus, về nông thôn...

d/ Điều trị y sinh :

a/. Phối giữa bác sĩ và phụ huynh của trẻ tự kỷ để giúp điều trị các chứng viêm họng, các bệnh mãn tính về tiêu hóa.

b/. Kiểm soát chế độ dinh dưỡng Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ tự kỷ dựa trên những nghiên cứu về y sinh mới nhất về tự kỷ.

c/. Theo dõi những toa thuốc được kê cho trẻ từ bên ngoài ( toa của các bác sĩ thần kinh và các bác sĩ khác) giúp trẻ uống thuốc đều đặn, nhất là đối với trẻ tự kỷ nặng và tăng động giảm chú ý‎.

d./ Vệ sinh tốt môi trường, phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

4. KẾT LUẬN:

Nhìn lại sự tiến bộ và kết quả đạt được chúng tôi tạm hài lòng và hân hạnh chia sẻ với đồng nghiệp:

a/ Trong 3 niên học vừa qua chúng tôi đều có học sinh ra hòa nhập, năm 2011 làm giấy xác nhận cho 16 hs, năm 2012 xác nhận cho 22 hs trong đó có 8 hs tiểu học và 20 hs tuổi MN, năm 2013 này là 20 học sinh trong đó tiểu học 06 em, và số còn lại ra hòa nhập trường Mầm Non và chưa có học sinh nào quay trở lại. Hiện tại chúng tôi được sự tín nhiệm của phụ huynh và số học sinh can thiệp tại trường đã đầy công suất 130 em/12 phòng nhóm.

b/ Cha mẹ trẻ đã ‎nhận thức, chấp nhận tình trạng của con mình và tích cực can thiệp ở nhà ngoài giờ đến trường.

c/ Tất cả học sinh của trường đều có sự tiến bộ, giảm tăng động, chú ‎ý tốt và giao tiếp tốt hơn.

d/ Với tinh thần cầu tiến, học hỏi các thành tựu nghiên cứu của các nước tiên tiến chúng tôi tạm hài lòng về thành tựu của trường và tin tưởng vào sự cộng tác và hỗ trợ lẫn nhau của các tổ chức ngành giáo dục, y tế, các nhà tâm lý‎, các nhà khoa học nghiên cứu về tự kỷ để đối phó với hội chứng tự kỷ ngày càng gia tăng ở trẻ em Việt Nam.

Thống kê truy cập

2113739
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tháng này
Tất cả
214
395
3040
11336
2113739

Hôm nay: 2024-04-28 17:34:15

Khách truy cập

Đang có 4 khách và không thành viên đang online

Các đơn vị tài trợ và liên kết website cộng đồng

1 2 3 cong_dong facebook1 facebook2