Những thiên thần mắc đọa

Được viết ngày 17 Tháng 6 2011

Những thiên thần mắc đọa

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

Chiều nào bà mẹ cũng dẫn con ra công viên bên bờ sông, chỗ chị hay tụ tập đánh cầu lông với bạn bè. Nhẹ nhàng đặt đứa bé lên băng đá, mẹ chạy quanh, lúc che mặt cút hà, lúc lại giả đò trợt té. Đứa trẻ bị giảm thiểu năng trí tuệ, nên ngờ nghệch, có khi cũng nhoẻn cười, nhưng ánh mắt dại mông mênh. Chị hay đứng đằng xa, lén nhìn cảnh đó mà xót thương, bởi cảm giác, đang quấn quýt bên con nhưng bà mẹ ấy như cô đơn chơi vơi dưới nắng chiều. Day qua day lại, chị thấy nhiều người cũng ngẩn ra ngó hai mẹ con họ, và cũng như chị, họ giấu giếm cái nhìn của mình, mắt đậu vào bâng quơ. Dường như ai cũng sợ mình sẽ không kềm chế ánh mắt thương hại, như nhát roi quất vào lòng bà mẹ, vốn đã đau.


Bất giác, chị nhớ cái quãng thằng con bị chứng biếng ăn, chị đã mệt mỏi như thế nào. Thằng nhỏ ốm nhom, nhẹ hều, cái đầu to quá khổ so với thân mình đẹt ngắt, nhiều bữa bưng chén cơm nguội ngơ đuổi theo nó hàng giờ đồng hồ, chị khóc ròng. Không hoàn toàn vì thương con, đôi lúc, chị nhận ra, chị đang thương cho niềm kiêu hãnh của mình. Chị còn không muốn chở con ra đường chơi, sợ người ta quở, nuôi con gì ốm nhách.

Xấu hổ vì ý nghĩ đó, chị chậc lưỡi, tự nhủ, người ta ai cũng vậy. Bà mẹ nào cũng mong đứa con mình thật bụ bẫm và xinh đẹp. Không thì cớ gì lúc mang bầu, nhiều bà mẹ treo hình những cô cậu bé béo múp míp trong phòng ngủ (những mong đứa nhỏ mình sinh ra sẽ giống hệt vậy). Không thì cớ gì mẹ phải tần tảo dành dụm mua sữa Pháp, sữa Mỹ với hy vọng nhỏ con mình ú quây y như… quãng cáo trong ti vi. Không thì cớ gì một vài người giữ trẻ bất lương đã cho thuốc tăng trọng vào thức ăn, để đám trẻ vùn vụt tăng cân, vừa được tiếng thơm vừa thoả mãn lòng hãnh tiến của những bà mẹ.

Chị nhớ hồi nhỏ mình cũng xấu đau xấu đớn (bây giờ thì đã bớt xấu chút đỉnh), hẳn má buồn lắm. Hỏi má, má cười, đẹp không phải là niềm tự hào duy nhất. Má vui vì chị bốn tuổi đã biết đọc sách báo, năm tuổi đòi quét nhà, sáu tuổi biết lon ton xách thùng tưới rau… Má nói, miễn con mình là đẹp. Chị không tin.

Nhưng nghề báo đã đứa chị đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Có lần, chị đến T, vùng đất nghèo, xơ xác những di chứng chất độc màu da cam. Hoàn cảnh có khác nhau, bọn trẻ cũng mang dị tật khác nhau nhưng những bà mẹ trong xóm thì có chung ánh mắt, ưa nhìn xuống, lầm lũi, tủi cực. Cái cười cũng rụi ngọn từ khi đứa con ra đời, héo hắt khóc trên tấm khăn. Có đứa nguyên vẹn đến năm, mười tuổi, mẹ vui được quãng đó, rồi một bữa con nhìn mẹ, cái cười ngờ ngệch hiện ra trên khuôn mặt xanh xao. Tóc bạc chảy tràn trên mái đầu của người mẹ trẻ. Chị muốn ôm ghì người phụ nữ ấy vào lòng, khi bà mẹ vẫn đưa cái nhìn trìu mến bọc lấy thằng bé đang nằm mút ngón chân trên giường, khoe, Út Cưng hiền khô hà, nó đeo tui hỏng rời, hễ đi vắng chút xíu là nó nhớ, thấy thương lắm.

Cái nhìn vừa sâu nhói, vừa chan chứa thương yêu đó chị vẫn gặp trên khắp ngã đường. Bởi khi đậu xuống chiếc nôi ấm áp của người, một ít thiên thần đã bị mắc đọa. Tình mẫu tử bị thử thách nghiệt ngã và dai dẳng. Nhà hàng xóm cũng có một đứa con tật nguyền, nhiều bữa bên đó mở tiệc, chị thấy họ nhốt thằng bé không hoàn hảo vào phòng, giấu biệt. Tình thương không đủ mạnh để lấn áp sự mặc cảm, lòng kiêu hãnh bị tổn thương.

Nhưng nhiều người đã vượt lên những ám ảnh tầm thường. Như bà mẹ ở công viên chiều. Đoán được cái nhìn ái ngại của mọi người đối với mình, nên một bữa, người mẹ cầm tay đứa bé, ngoắc lia lịa, rối rít nói thay con “Cô ơi, chú ơi, bữa nay Ti mặc áo mới nè, nhìn Ti xem có đẹp không?”.

Thái độ chủ động của bà mẹ khiến mọi người trở nên nhẹ nhỏm. Họ vẫy tay gọi đứa bé, họ lại chỗ bán hàng rong, mua vài cây kẹo dúi vào tay nó. Thằng bé ngây ngô nhoẻn cười, ngọng nghịu nói theo mẹ hai chữ cảm ơn. Bà mẹ cũng cười, hạnh phúc khi con được người đời yêu thương như một đứa trẻ bình thường. Mặt trời cũng rạng rỡ cỡ vậy, là cùng…

Chị nghiêm cẩn như đang đứng trước một kỳ quan.

Vài ba trăng khuyết…

Nguyễn Ngọc Tư

Không cần nhìn em thêm lần nữa thì cũng nhận ra em bị thiểu năng trí tuệ. Người mang dị tật này thường có dáng dấp, gương mặt với mắt này mũi này… giống hệt nhau. Tròn lẳn, bầu bĩnh, phúng phính nhưng làm người ta nhói đau khi va ánh mắt vào. Em nuôi bệnh ở giường bốn mươi tám, tôi ra vào với má ở giường năm mươi hai. Những buổi sáng khi mười mấy con người ở phòng này nhao nháo rối bời với việc tắm giặt, chải chuốt, ăn uống, thì em bò ra chùi rửa, quét dọn khoảng hành lang, mấy cái phòng vệ sinh nhớp nháp. Chúng tôi không nhúng tay vào vì biết đó là phần việc của mấy chị lao công bệnh viện, chút nữa họ sẽ làm, họ nhận lương để làm những chuyện này.

Nhưng cô bé, với trí khôn khiếm khuyết của mình, não em thiếu mất vùng mang tên đùn đẩy, chờ đợi. Em làm vì thấy nơi này bẩn thỉu quá. Người khôn không vậy, họ thà chịu khó nín thở, bịt mũi, nhón dép lên những cái vũng chèm nhẹp… để chờ đợi. Ngay cả dì em, người đang sưng húp vì mang quả thận hư khá nặng, chị cũng cằn nhằn con nhỏ đi làm chuyện tào lao, ai kêu ?

Phải em làm vì ai đó sai bảo thì em đã không đẹp đến vậy, không làm tôi mắc cỡ, tần ngần những khi nhìn em quét lau loẹt xoẹt, thấy mình giảm chiều cao chắc còn cỡ một thước hai, nhưng tôi là con người toàn vẹn, hiểu biết, đọc nhiều sách, nên tôi vẫn ngồi trơ trơ vảnh móng tay. Bù lại, tôi hay rủ em ra ngoài dúi cho khi hộp sữa tươi, khi cái bánh bông lan... Mừng rỡ nhận quà nhưng em dáo dác ngó vào trong, “dì chửi chết…”. Người phụ nữ đó không biết vì bệnh tật làm cho bứt rứt đau đớn hay do nỗi bực dọc gì mà rầy la em suốt ngày. Nhưng suốt ngày em chỉ toe miệng ra cười, lăng xăng đấm bóp, đi mua cơm, giặt giũ quần áo… Có lần tôi nói giỡn, “em với dì giống hệt nhau, y như hai mẹ con vậy…”. Em hạ giọng thầm thì, vẻ như sắp trao cho tôi một bí mật lớn lao, “mẹ em đó, em giả bộ kêu dì Chín để mẹ khỏi mắc cỡ, tại đẻ ra em khùng khùng…”. Xế trưa, tôi bỗng nhìn thấy một mảnh trăng đầu mùa, khuyết còng, mỏng tang gần như trong suốt treo diệu vợi giữa trời, ngó nao lòng lắm, không thể nói ra lời. Không biết vì đẹp hay vì buồn.

Như món canh tạo hóa nấu lạt, cô bé chỉ thiếu một chút thôi là lành lặn kiếp người. Bất chấp điều đó, em vẫn đẹp theo kiểu của mình. Đẹp vì hao khuyết. Đẹp mà không biết.

Xóm tôi ngày trước cũng có một anh thiểu năng trí tuệ, mọi người gọi Lủ khùng. Đám tang nào anh Lủ cũng tới, phụ lo trà nước và đánh trống. Khuya xa, khi mọi người đã mòn mỏi lủi đi kiếm chỗ chợp mắt, anh Lủ vẫn không bao giờ để thưa tiếng trống. Giữa hai hồi trống, thấy cỗ áo quan nguội lạnh, anh đi sửa lại cây đèn cầy nghiêng, đốt giấy vàng bạc, thắp nhang, rồi khói lại tiếp tục nối vào khói ấm áp… Lủ lủi thủi, mà tận tụy. Buổi khách viếng đông, đám thanh niên kia cà lơ phất phơ, bởi một mình anh Lủ chạy trà nước cũng đủ chu đáo rồi, dù mệt đừ, mồ hôi nhễ nhại, nhìn thương. Người như anh ở chốn nhốn nháo nào cũng bị lạc giữa những người khôn toan tính thiệt hơn.

Lại nhớ Soi, một khán giả hâm mộ đặc biệt của anh nghệ sỹ bạn tôi, bẩm sinh ngây ngô dài dại. Chị mê cải lương, mùa khô nào đoàn hát về chị cũng đi coi, và vô cùng ngưỡng mộ anh bạn tôi. Hết buổi diễn, chị thường len vào đằng sau sân khấu để tặng anh khi thì trái khế, trái bần, khi thì cái bánh dừa, khúc mía… không quên ngọng ngịu khen, hát hay quá à... Lớn tuổi, anh không đi hát nữa, quản lý đoàn một thời gian anh về Sở làm việc như một công chức bình thường. Có chiều từ cơ quan về anh thấy chị Ngơ Ngẩn đứng chờ ở cỗng. Anh hỏi, “Em kiếm tôi à, Soi?”. Chị chìa ra mớ bông rau muống héo queo, chắc là hái ở dọc đường, nói “Cho nè…”. Tay đưa về phía anh mà mặt day chỗ khác, ngượng ngùng đúng kiểu… cải lương. Xong chị ra về, từ trung tâm thành phố, Soi phải đi hơn hai mươi cây số đường sông mới tới nhà mình.

Hơn nữa đời ca diễn, người nghệ sỹ nổi tiếng lần đầu tiên nhận được một bó hoa kỳ lạ. Nghe chuyện, ai cũng buồn cười, nhưng trong lòng nhuốm màu chua xót, mai kia khán giả không còn nhớ anh nữa, tên anh, giọng hát anh bị vùi dập mất tăm giữa những thần tượng mới, thì anh vẫn còn chị Ngẩn Ngơ, lâu lâu lại xuất hiện để tặng hoa cỏ dại hái bên đường xơ xác, tưởng thưởng cho người nghệ sỹ này đã từng sáng chói, vàng son. Chị không được trời cho chức năng quên lãng.

Nhưng cái mối quan hệ bi hài, vừa buồn cười vừa ngọt ngào vừa xót xa đó không phải ai cũng có. Bạn tôi vô tình nhận được vì anh đã bình thản chào đón một khán giả dị tật như một người bạn lâu ngày, như một người bình thường với trái tim, khối óc bình thường, “Em chờ tôi lâu không, Soi ?”. Cho là anh giả bộ, anh diễn, nhưng hình như không nhiều người diễn cho ra cái vai nhân hậu đó…

Thống kê truy cập

2113466
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tháng này
Tất cả
336
376
2767
11063
2113466

Hôm nay: 2024-04-27 17:42:06

Khách truy cập

Đang có 5 khách và không thành viên đang online

Các đơn vị tài trợ và liên kết website cộng đồng

1 2 3 cong_dong facebook1 facebook2