Cháy mình với trẻ tự kỷ
Ông mở trường dành riêng cho trẻ tự kỷ không chỉ vì hai đứa con mắc chứng này mà còn mong muốn truyền thụ kinh nghiệm của mình cho những bậc cha mẹ chẳng may có con tự kỷ.
7 giờ, cổng Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí (214/25F Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu mở để đón trẻ. Cứ mỗi khi có phụ huynh đưa con đến thì bảo mẫu ra tiếp nhận với khuôn mặt cười tươi, chào hỏi. Sau những cái ôm hôn nhẹ, các cô dắt tay các em vào sân trường vui chơi, múa hát tập thể trước khi vào lớp. Một cậu bé chừng tám tuổi đang chơi cùng chúng bạn bất ngờ chạy lại phía một người đàn ông đeo kính đứng quan sát ở khu sân chơi, nói:
-“Chàoooo… ba.. a… a!”.
- “Chào con. Mình chơi banh nhé!”.
- “Chơ… ơi… banh…”.
Người đàn ông đó là bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, cựu thủ lĩnh phong trào sinh viên - học sinh (SV-HS) trước giải phóng, người sáng lập ra ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ nói trên.
“Căn bệnh” lạ
Trên đây đoạn nói chuyện giữa ông với một học trò tự kỷ. Nói xong, ông ngồi xuống ném nhẹ trái banh về phía đứa trẻ. Cháu cầm lấy trái banh ném loạn xạ lại người ông, vừa ném vừa cười nức nẻ. Ông Mẫm giải thích: “Đó là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy cháu đã khá hơn trước rất nhiều. Trước đây, cháu không chịu chơi với ai cả, khả năng giao tiếp gần như bằng không”.
Đã ngấp nghé tuổi 70 nhưng ông Huỳnh Tấn Mẫm vẫn mang phong thái nhanh nhẹn, sôi nổi của một thanh niên từng là thủ lĩnh phong trào SV-HS Sài Gòn khi xưa. Trong căn phòng làm việc chỉ vừa kê đủ một cái bàn và hai chiếc ghế, ông tâm sự về cái nghiệp và cũng là cái duyên khiến ông gắn phần đời còn lại với trẻ tự kỷ.
Sau mối duyên đầu với người vợ trước không trọn vẹn, được sự khuyến khích của hai cô con gái, ông đã đi bước nữa và quyết định thụ tinh trong ống nghiệm vì tuổi đã cao. Kết quả là hai đứa con trai kháu khỉnh chào đời. Hai cháu lớn lên như mọi đứa trẻ bình thường khác, gặp ai cũng muốn ôm ấp, mơn trớn. Khi thấy ông đi đâu về, các con cùng chạy ra reo lên: “Ba về!”.
Để trẻ tự kỷ vui chơi bình thường thế này là cả kỳ công của ông Huỳnh Tấn Mẫm cùng các giáo viên Trường Chuyên biệt Khai Trí. Trong ảnh: Ông Mẫm đang vui chơi cùng các trẻ tự kỷ trong sân trường. Ảnh: THANH MẬN
Đến hai tuổi, tự dưng hai cháu mất dần những khả năng nói, giao tiếp với người khác. Trường mẫu giáo trả cháu về với gia đình vì ở trường cháu không chơi với ai, đặt đâu chỉ biết ngồi đó, không ai chạm được vào người cháu. “Gia đình tôi lo lắng cho con nhưng cứ nghĩ cháu nó chậm phát triển rồi từ từ thì nó cũng bằng bạn bằng bè thôi. Ai ngờ đến khi con năm tuổi tôi mới để ý thấy trí não của cháu không bằng lúc hai tuổi nữa. Tôi đâm hoảng, đưa cháu đi Nhi đồng khám thì mới biết là cháu mắc chứng tự kỷ. Tôi về lục tìm tài liệu về căn bệnh này, tìm người để học, ở đâu có tọa đàm về tự kỷ là tôi đi”.
Đi nhiều, ông thấy tài liệu nào hay, phim nào có ích nói về căn bệnh này ông đều mua về cho vợ đọc. Riết rồi những mối quan hệ xung quanh của ông toàn là những phụ huynh có con tự kỷ. Họ họp với nhau lại, thành lập một chi hội trẻ tự kỷ thuộc Hội Trẻ tàn tật. Băn khoăn chung của các phụ huynh là muốn cho con mình học trường chuyên biệt nhưng chưa biết học ở đâu, vì thường các trường dạy cho trẻ khuyết tật nói chung chứ chưa chuyên về trẻ tự kỷ.
Mở trường
Hiểu hơn ai hết nỗi bất hạnh của phụ huynh khi có con mắc chứng bệnh này, ông Mẫm vận động những người bạn cùng hoạt động trong phong trào SV-HS trước đây chung tay mở trường chuyên dạy trẻ tự kỷ. Cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm dạy trẻ chuyên biệt Võ Thị Thùy được ông mời về làm hiệu trưởng cùng với đội ngũ giáo viên chuyên biệt có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Tháng 7-2010, trường khai giảng. Lần đầu tiên người ta thấy những hình ảnh lạ mắt như trái banh có gai, hồ phun nước trị liệu, chiếc cầu gỗ uốn lượn… hiện diện trong ngôi trường học. Tất cả những trò chơi thu hút các cháu ở đây đều có tác dụng như là học cụ để kích thích xúc giác, thị giác và thính giác, giúp các em từng bước “hội nhập” dần như những đứa trẻ bình thường. Những em bị tự kỷ dạng nhẹ hoặc có tiến triển tốt sẽ được cho học chữ, làm toán, vẽ tranh...
Ông Huỳnh Tấn Mẫm với cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ. Ảnh: THANH MẬN
Niềm vui đầu tiên ông gặt hái được khi một ngày chứng kiến cuộc điện thoại của đứa con anh V. gọi điện thoại về cho mẹ nói: “Mẹ…ơi…!” rồi cả ba và mẹ đứa trẻ cùng òa khóc. Đứa bé trước đó dù đã gần năm tuổi vẫn không nói được, không phân biệt được màu sắc, không phân biệt được người lạ, quen. Ba cháu phải nghỉ việc đưa con từ Vũng Tàu lên thành phố thuê nhà trọ để đưa con đi học.
Cuộc nói chuyện thỉnh thoảng bị gián đoạn vì ông Mẫm phải nhận điện thoại của phụ huynh hỏi xin gửi con theo học. Sĩ số hiện nay của trường đã là 100 em, nhận nữa thì không đủ chỗ học. Mở rộng thêm thì lại không đủ vốn vì hiện nay ông vẫn còn nợ bạn bè, bao nhiêu tiền khám chữa bệnh hằng ngày của ông ở phòng mạch riêng cũng đổ vào đó nhưng chưa thu lại được đồng nào. Ông cũng đã từng nhờ UBND TP hỗ trợ, cũng từng có cán bộ của TP xuống khảo sát nhưng chưa thấy hồi âm.
Mình vẫn còn hồng lắm!
Được trị liệu bằng biện pháp giáo dục chuyên biệt cho trẻ tự kỷ, hiện nay hai người con trai của ông đã có chút tiến triển. Một cháu đã học lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn. Cháu còn lại phát triển chậm hơn, chưa học chữ được nhưng đã cho ông ôm ấp, nói chuyện, vui chơi cùng với mọi người, khi ông ngủ đâu cháu cũng tìm đến để nằm bên cạnh. Tuy nhiên, nếu được can thiệp sớm có thể cháu đã tiến triển tốt hơn.
Còn gì đau khổ hơn con mình đó nhưng nó không cho chạm vào người, chạm vào là nó giãy giụa, la hét. Con mình như người từ hành tinh khác xuống, không biết mình là ai, không biết đến sự hiện diện của mọi người xung quanh. Đa phần người dân mình lâu nay đối xử với những đứa trẻ này theo kiểu một là nhốt nó trong nhà, không cho chơi với ai vì nó hay gây những chuyện bất ngờ không lường trước được; hai là đưa nó vào nhà thương điên, tội lắm!” - ông Mẫm nói.
Nỗi lo nhất của ông hiện nay là tỉ lệ trẻ tự kỷ đang gia tăng trong khi người dân còn thiếu kiến thức về căn bệnh này. Tuy nhiên, ở trong nước vẫn chưa có một tài liệu hướng dẫn nào thật dễ hiểu để người dân, thậm chí các bác sĩ, giáo viên biết về bệnh của trẻ.
Ông sợ những đứa trẻ khác sẽ mất cơ hội “tuổi vàng” để chữa bệnh như con của ông. Ông nói điều ân hận nhất của cuộc đời ông là bản thân làm bác sĩ mà không sớm phát hiện ra bệnh của con mình, để vụt mất thời cơ “tuổi vàng” của con (từ hai đến năm tuổi). Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm trong khoảng thời gian này sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường hơn. Không phải riêng ông, ông hỏi nhiều bạn bè bác sĩ khác cũng không hiểu rõ về bệnh này.
Chia sẻ lo lắng của ông, một người bạn đã liên hệ với tổ chức HANS (tổ chức Hãy giúp đỡ trẻ tự kỷ ngay bây giờ) của Mỹ để dịch và xin phát hành miễn phí cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ. Cuốn sách này do bà Linda Lee, Giám đốc điều hành của HANS, cũng có con là trẻ tự kỷ biên soạn.
Cầm cuốn sách trong tay, ông Mẫm reo lên như được của báu. Ngay lập tức, chỉ trong một tuần, ông đã gửi cả trăm cái mail cho những người quen biết nhờ họ phổ biến rộng rãi cuốn sách này cho càng nhiều người biết càng tốt. Ông đã cho nhân viên tải nội dung cuốn sách lên trang web www.truongchuyenbietkhaitri.com để ai có nhu cầu vào tải về đọc.
“Ước gì có ai đó tài trợ để mình in thật nhiều phát hành rộng rãi cho bà con. Ước gì Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho phụ huynh có con bệnh tự kỷ. Ước gì đừng có đứa trẻ tự kỷ nào vì không được điều trị mà lớn lên không biết cách chia sẻ cảm xúc, bị ức chế rồi trở thành bị cáo trong một vụ án nào đó. Ồ, cứ tin đi, mình vẫn còn hồng lắm!” - ông cười, đôi mắt buồn lại loáng lên vẻ tinh anh, lạc quan của một con người mà bạn bè vẫn thường bảo nhau là không có gì khuất phục được ông.
Ngày 26-3 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đề nghị ông Mẫm làm việc với tổ chức HANS cho phép Sở được in 2.000 cuốn sổ tay nói trên để cấp cho các trường mầm non, tiểu học và trường giáo dục chuyên biệt trên địa bàn TP. Đôi mắt ông ngời lên, như một người cha lần đầu tiên trong đời nghe con mình cất lên tiếng “Ba” đầy yêu thương, hạnh phúc.
THANH MẬN
(Liên kết nguồn http://phapluattp.vn/2012040212313963p0c1112/chay-minh-voi-tre-tu-ky.htm)
Đang có 7 khách và không thành viên đang online